Sau khi ly hôn, có thể yêu cầu tăng tiền cấp dưỡng nuôi con hay không?
Căn cứ theo Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về mức cấp dưỡng như sau:
“Điều 116. Mức cấp dưỡng
- Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
- Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.”
Theo quy định của pháp luật hiện hành, không có quy định cụ thể về mức cấp dưỡng cũng như không thiết lập giới hạn tối đa hoặc tối thiểu đối với số tiền cấp dưỡng. Việc xác định mức cấp dưỡng phụ thuộc vào các yếu tố như thu nhập, khả năng tài chính thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng.
Đồng thời, mức cấp dưỡng có thể được điều chỉnh khi có lý do chính đáng. Trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng gặp khó khăn về kinh tế, dẫn đến không thể tiếp tục thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo mức đã thỏa thuận hoặc quyết định trước đó, các bên có thể thương lượng để giảm mức cấp dưỡng. Ngược lại, nếu thu nhập của người có nghĩa vụ cấp dưỡng tăng lên hoặc nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng (thường là con cái) tăng cao, mức cấp dưỡng có thể được điều chỉnh tăng tương ứng.
Như vậy, căn cứ vào các quy định nêu trên, sau khi ly hôn, các bên có quyền yêu cầu điều chỉnh tăng mức cấp dưỡng nuôi con khi xuất hiện lý do chính đáng, phù hợp với tình hình thực tế, nhằm đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho con.
Trường hợp phát sinh tranh chấp về mức cấp dưỡng mà các bên không thể tự thỏa thuận được, một trong các bên có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết. Khi đó, Tòa án sẽ xem xét các căn cứ và lý do chính đáng mà các bên đưa ra để quyết định việc có chấp nhận yêu cầu điều chỉnh mức cấp dưỡng hay không, đảm bảo sự công bằng và phù hợp với quy định pháp luật.
Khi xem xét quyền lợi của người con thì Tòa án phải đánh giá dựa trên những tiêu chí nào?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 6 Nghị quyết 01/2024/NQQ-HĐTP có quy định về giải quyết việc nuôi con khi ly hôn như sau:
“Điều 6. Giải quyết việc nuôi con khi ly hôn quy định tại Điều 81 của Luật Hôn nhân và gia đình
1. Khi xem xét “quyền lợi về mọi mặt của con” quy định tại khoản 2 Điều 81 của Luật Hôn nhân và gia đình phải đánh giá khách quan, toàn diện các tiêu chí sau đây:
a) Điều kiện, khả năng của cha, mẹ trong việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con, bao gồm cả khả năng bảo vệ con khỏi bị xâm hại, bóc lột;
b) Quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi, được duy trì mối quan hệ với người cha, mẹ không trực tiếp nuôi;
c) Sự gắn bó, thân thiết của con với cha, mẹ;
d) Sự quan tâm của cha, mẹ đối với con;
đ) Bảo đảm sự ổn định, hạn chế sự xáo trộn môi trường sống, giáo dục của con;
e) Nguyện vọng của con được ở cùng với anh, chị, em (nếu có) để bảo đảm ổn định tâm lý và tình cảm của con;
g) Nguyện vọng của con được sống chung với cha hoặc mẹ.”
Như vậy, khi xem xét đến “Quyền lợi của con” theo quy định tại khoản 2 Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì Tòa án phải đánh giá khách quan, toàn diện các tiêu chí sau đây:
– Điều kiện, khả năng của cha, mẹ trong việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con, bao gồm cả khả năng bảo vệ con khỏi bị xâm hại, bóc lột;
– Quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi, được duy trì mối quan hệ với người cha, mẹ không trực tiếp nuôi;
– Sự gắn bó, thân thiết của con với cha, mẹ;
– Sự quan tâm của cha, mẹ đối với con;
– Bảo đảm sự ổn định, hạn chế sự xáo trộn môi trường sống, giáo dục của con;
– Nguyện vọng của con được ở cùng với anh, chị, em (nếu có) để bảo đảm ổn định tâm lý và tình cảm của con;
– Nguyện vọng của con được sống chung với cha hoặc mẹ.
Nghĩa vụ cấp dưỡng sẽ chấm dứt trong trường hợp nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 118 Luật hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng như sau:
“Điều 118. Chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng
Nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
- Người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình;
- Người được cấp dưỡng được nhận làm con nuôi;
- Người cấp dưỡng đã trực tiếp nuôi dưỡng người được cấp dưỡng;
- Người cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng chết;
- Bên được cấp dưỡng sau khi ly hôn đã kết hôn;
- Trường hợp khác theo quy định của luật.”
Như vậy, nghĩa vụ cấp dưỡng của người cha, mẹ sẽ chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
– Người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình;
– Người được cấp dưỡng được nhận làm con nuôi;
– Người cấp dưỡng đã trực tiếp nuôi dưỡng người được cấp dưỡng;
– Người cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng đã chết;
– Bên được cấp dưỡng sau khi ly hôn đã kết hôn;
– Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.