Có được đơn phương ly hôn khi vợ/chồng không đồng ý?

Việc ly hôn theo yêu cầu một bên cũng được quy định cụ thể trong Luật hôn nhân và gia đình 2014 để đảm bảo quyền của các chủ thể trong quan hệ hôn nhân.

Căn cứ Điều 56 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định về ly hôn theo yêu cầu của một bên. Theo đó, điều kiện để yêu cầu đơn phương ly hôn được Tòa án giải quyết thì phải nằm trong các trường hợp sau đây:

1. Các trường hợp được đơn phương ly hôn

1.1. Trường hợp khi một bên vợ, chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải không thành

Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho cuộc hôn nhân rơi vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. (Khoản 1, Điều 56, Luật Hôn nhân và gia đình 2014)

Hành vi vợ, chồng được xem là hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng khi:

– Thứ nhất: Có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình: (Điều 2 Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2007)

  • Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng;
  • Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
  • Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;
  • Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;
  • Cưỡng ép quan hệ tình dục;
  • Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;
  • Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;
  • Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;
  • Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.

– Thứ hai: Có căn cứ về việc vợ hoặc chồng vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ vợ, chồng.

Việc xác định vi phạm quyền và nghĩa vụ vợ chồng bao gồm các nội dung chính là:

  • Vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng về nhân thân như là: Vợ chồng không còn thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình; Không tôn trọng, giữ gìn và bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín cho nhau…
  • Vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng về tài sản như là: Vợ chồng không bình đẳng trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung…
  • Vi phạm quyền, nghĩa vụ giữa vợ chồng về con cái.

Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 hiện hành chỉ xác định phạm vi quyền, nghĩa vụ của vợ chồng để từ đó xác định được những hành vi nào là vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

– Thứ ba: Hậu quả của hành vi bạo lực gia đình và vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ vợ chồng là làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

Theo đó tình trạng của vợ chồng được coi trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được khi:

  • Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau như người nào chỉ biết bổn phận người đó, bỏ mặc người vợ hoặc người chồng muốn sống ra sao thì sống, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, hoà giải nhiều lần;
  • Vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau, như thường xuyên đánh đập, hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, hoà giải nhiều lần;
  • Vợ chồng không chung thuỷ với nhau như có quan hệ ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình.

1.2. Trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn

Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn. (Khoản 2 Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014)

Tuy nhiên, để Tòa án có thể thụ lý giải quyết cho ly hôn đối với trường hợp này cần đáp ứng điều kiện sau:

  • Có bản án hoặc quyết định của Tòa án có hiệu lực về việc tuyên bố mất tích thì người chồng hoặc vợ có quyền yêu cầu Tòa án được đơn phương ly hôn.
  • Thời gian là biệt tích 02 năm liền trở lên;
  • Vợ (hoặc chồng) của người bị tuyên bố mất tích làm đơn yêu cầu tuyên bố mất tích;
  • Tòa án đã đưa ra bản án hoặc quyết định có hiệu lực về việc tuyên bố mất tích.

1.3. Trường hợp khi cha, mẹ, người thân thích của một bên vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn

Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ. (Khoản 3 Điều 56 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014)

Điều kiện để được giải quyết ly hôn trong trường hợp này đó là:

  • Một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình;
  • Có căn cứ về việc người kia (chồng hoặc vợ) có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia có thể biểu hiện dưới một số hành vi cụ thể như vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau, như thường xuyên đánh đập, hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau…

Nếu có hai dấu hiệu trên thì cha, mẹ, người thân thích khác của người là nạn nhân của bạo lực gia đình có yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn thì Tòa án tiến hành giải quyết ly hôn theo thủ tục.

Như vậy, trường hợp ly hôn đơn phương thuộc một trong ba trường hợp nêu trên. Nếu có căn cứ thuộc các trường hợp đó, một trong hai bên vợ/chồng hoặc người thân thích có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết đơn phương ly hôn.

2. Các giấy tờ cần chuẩn bị khi ly hôn theo yêu cầu của 1 bên

Khi ly hôn đơn phương cần chuẩn bị các giấy tờ sau:

  • Đơn xin ly hôn đơn phương (Theo mẫu của Tòa án có thẩm quyền);
  • Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (Bản chính);
  • Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu của vợ, chồng;
  • Giấy khai sinh của con;
  • Giấy tờ liên quan chứng minh tài sản trong trường hợp có tranh chấp về tài sản;
  • Các tài liệu chứng cứ chứng minh hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho đời sống hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được; chứng cứ chứng minh vợ chồng mất tích trong trường hợp yêu cầu ly hôn khi vợ chồng bị tuyên bố mất tích.

Lưu ý:

  • Nếu hai bên kết hôn tại Việt Nam, sau đó vợ hoặc chồng xuất cảnh sang nước ngoài (không tìm được địa chỉ) thì phải có xác nhận của chính quyền địa phương về việc một bên đã xuất cảnh và đã tên trong hộ khẩu;
  • Nếu hai bên đăng ký kết hôn theo pháp luật nước ngoài muốn ly hôn tại Việt Nam thì phải hợp thức lãnh sự giấy đăng ký kết hôn và làm thủ tục ghi chú vào sổ đăng ký tại Sở Tư pháp rồi mới nộp đơn và hồ sơ xin ly hôn.

3. Thủ tục giải quyết đơn phương ly hôn khi không đủ giấy tờ

3.1. Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Để tiến hành ly hôn đơn phương, một bên vợ hoặc chồng phải chuẩn bị các giấy tờ như chúng tôi đã đề cập ở bên trên.

Tham khảo kỹ hơn tại bài viết: ly hôn đơn phương không có giấy tờ .

3.2. Bước 2: Nộp hồ sơ

Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ như bên trên thì tiến hành nộp hồ sơ xin đơn phương ly hôn tại các địa điểm sau:

Nếu không có yếu tố nước ngoài: Nộp đơn tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người bị đơn đang cư trú hoặc làm việc.

Nếu có yếu tố nước ngoài: Nộp đơn tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi người bị đơn đang cư trú, làm việc.

Đối với trường hợp ly hôn giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam thì nộp đơn tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam.

3.3. Bước 3: Xử lý đơn ly hôn

Sau khi nhận được đơn từ nguyên đơn, Tòa án phải xem xét có thụ lý đơn hay không sau 05 ngày làm việc.

3.4. Bước 4: Nộp tiền tạm ứng án phí

Sau khi kiểm tra và thấy hồ sơ hợp lệ thì Tòa án gửi thông báo cho nguyên đơn đóng tiền tạm ứng án phí, Tòa án ra quyết định thụ lý đơn ly hôn đơn phương từ thời điểm nguyên đơn nộp biên lai đã đóng tiền tạm ứng án phí.

3.5. Bước 5: Tòa án tiến hành hòa giải và giải quyết theo quy định

Thủ tục hòa giải tại Tòa án là thủ tục bắt buộc trước khi đưa vụ án ra xét xử trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn.

  • Nếu hòa giải thành: Tòa án lập biên bản hòa giải thành và sau 07 ngày mà các đương sự không thay đổi về ý kiến thì Tòa án ra quyết định công nhận hòa giải thành và quyết định này có hiệu lực ngay và không được kháng cáo kháng nghị;
  • Nếu hòa giải không thành: Tòa án cũng phải lập biên bản hòa giải không thành sau đó ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Sau khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử các bên được Tòa án gửi giấy triệu tập và được thông báo rõ về thời gian, địa điểm mở phiên Tòa sơ thẩm.

3.6. Bước 6: Ra bản án ly hôn

Nếu không hòa giải thành và xét thấy đủ điều kiện để giải quyết ly hôn thì Tòa án sẽ ra bản án chấm dứt quan hệ hôn nhân của hai vợ chồng

Luật Đỉnh Phong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *