Trong nền kinh tế thị trường, việc các nhà kinh doanh lựa chọn cách thức kinh doanh cũng như cách rút khỏi thị trường là một vấn đề rất được quan tâm và tuân thủ một quy trình thủ tục nhất định. Trong đó thủ tục phá sản được đề ra với mục tiêu bảo vệ một cách có hiệu quả nhất quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ nợ, của người lao động, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và đồng thời bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, hợp tác xã bị lâm vào tình trạng phá sản, xuất phát từ tính tất yếu của sự phát triển. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, HTX đang trong tình trạng sản xuất kinh doanh khó khăn, thua lỗ có cơ hội để rút khỏi thị trường một cách có trật tự.
Trong vụ việc phá sản thì việc tổ chức Hội nghị chủ nợ đóng vai trò quan trọng và gần như bắt buộc với các vụ phá sản.
Vậy Hội nghị chủ nợ là gì? Ai có quyền triệu tập, ai có quyền, nghĩa vụ tham gia Hội nghị chủ nợ?
Luật Đỉnh Phong sau đây sẽ cùng quý vị làm rõ những vấn đề liên quan đến Hội nghị chủ nợ theo Luật phá sản 2014.
- Khái niệm hội nghị chủ nợ
Hội nghị chủ nợ là một thủ tục pháp lý quan trọng trong quá trình giải quyết phá sản. Hội nghị chủ nợ có thể hiểu là cuộc họp của các chủ nợ được triệu tập và chủ trì bởi Tòa án nhân dân, diễn ra trong quá trình giải quyết phá sản, trong đó các bên tham gia trình bày ý kiến và thảo luận, cuối cùng đi đến thống nhất về phương án giải quyết, giải pháp tổ chức lại hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán hoặc về phương án phân chia tài sản khi doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản.
Các vấn đề pháp lý liên quan đến Hội nghị chủ nợ được quy định từ Điều 75 đến Điều 86 Luật phá sản số 2014.
Thời điểm diễn ra hội nghị chủ nợ trong quá trình giải quyết phá sản?
Hội nghị chủ nợ được diễn ra trong quá trình giải quyết thủ tục phá sản, sau khi Tòa án nhân dân đã ra quyết định mở thủ tục phá sản, đã chỉ định Quản tài viên tham gia, doanh nghiệp quản lý thanh lý tài sản tham gia, đồng thời đã có danh sách chủ nợ, người mắc nợ, tài sản đã kiểm kê cùng các tài liệu thông tin khác có liên quan. Để có thể đi đến kết luận về phương án giải quyết vụ việc phá sản, nhất thiết phải thực hiện việc triệu tập họp hội nghị chủ nợ.
Vai trò của hội nghị chủ nợ trong quá trình giải quyết phá sản?
Hội nghị chủ nợ có vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, đây là nơi có thể tập hợp tất cả chủ nợ, thể hiện ý chí tập thể của các chủ nợ để quyết định các vấn đề “sống còn” của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán. Bằng nghị quyết của hội nghị chủ nợ, “con nợ” có thể bị tuyên bố phá sản, thanh lý tài sản hoặc được áp dụng thủ tục phục hồi và từ đó có khả năng thoát khỏi tình trạng mất khả năng thanh toán, trở lại hoạt động kinh doanh bình thường. Có thể khái quát bốn vai trò quan trọng của hội nghị chủ nợ là:
Thứ nhất, hội nghị chủ nợ bảo đảm cho việc giải quyết một cách bình đẳng nhất về lợi ích kinh tế của các chủ nợ: hội nghị chủ nợ được thiết lập như một “diễn đàn” để các chủ nợ và người mắc nợ có thể cùng nhau tìm kiếm và thảo luận về một sự sắp xếp nhằm giải quyết những khó khăn về tài chính; chỉ định một chủ nợ “lãnh đạo” để tổ chức, quản lý quá trình giải quyết; chọn một hội đồng đại diện cho chủ nợ để giúp chủ nợ và hành động như là một thiết chế có tiếng nói chung tạm thời đối với những đề nghị dành cho người mắc nợ để hướng tới việc chọn phương án làm sao đảm bảo sự cân bằng về quyền lợi cho mỗi chủ nợ.
Thứ hai, hội nghị chủ nợ đảm bảo quyền lợi cho “con nợ”: đây cũng là nơi giúp cho doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có thể có tiếng nói, được quyền phát biểu ý kiến, giải trình về tình hình của chính mình và tự đề xuất phương án, giải pháp tổ chức lại bản thân mình; bên cạnh đó, một doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán cũng có thể nhờ vào hội nghị chủ nợ mà được phục hồi trở lại, phát triển tốt hơn nếu được cải tiến quy trình hoặc cơ cấu, tại đây, chính doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có thể đề xuất sự đầu tư từ chủ nợ, thay đổi cách quản lý, người quản lý… tìm giải pháp thoát khỏi tình trạng mất khả năng thanh toán.
Thứ ba, hội nghị chủ nợ đảm bảo cho việc xác định một cách chính xác và khách quan nhất tình trạng pháp lý của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán: thu thập và cung cấp những thông tin hoàn chỉnh và đầy đủ liên quan đến “con nợ”, bao gồm hoạt động kinh doanh, địa vị thương mại hiện tại, tình trạng tài chính chung, tài sản và các nghĩa vụ; chủ nợ được biết tình hình hiện tại của “con nợ”, có thể dễ dàng hơn khi thảo luận quyết định tình trạng pháp lý của “con nợ”.
Thứ tư, hội nghị chủ nợ góp phần giúp các chủ nợ và “con nợ” tìm được tiếng nói chung: tại đây, hai bên có thể thực hiện một thỏa thuận “tạm dừng” (một thỏa thuận dừng tất cả những vụ kiện có hại của cả chủ nợ và người mắc nợ) trong một khoảng thời gian xác định, thường là tương đối ngắn; thỏa thuận tạm dừng này có thể được so sánh với “lệnh dừng” hoặc tạm đình chỉ các vụ kiện hoặc các thủ tục tố tụng à yếu tố này đã trở thành một đặc điểm quan trọng trong quá trình giải quyết phá sản của pháp luật phá sản.
- Chủ thể, quyền và nghĩa vụ của chủ thể tham gia và chủ thể chủ trì hội nghị chủ nợ
- Chủ thể chủ trì hội nghị chủ nợ, quyền và nghĩa vụ của chủ thể chủ trì
Căn cứ quy định tại Khoản 9 Điều 9, Điều 75 Luật phá sản 2014, Thẩm phán Tòa án nhân dân được phân công thụ lý vụ việc là chủ thể chịu trách nhiệm tổ chức và chủ trì hội nghị chủ nợ. Quy định pháp luật phá sản hiện hành quy định các quyền, nghĩa vụ của chủ thể chủ trì hội nghị chủ nợ gồm:
- Thẩm phán phụ trách phải chuẩn bị, chịu trách nhiệm tổ chức, triệu tập, chủ trì hội nghị chủ nợ;
- Thẩm phán phải triệu tập hội nghị chủ nợ trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày kết thúc các công việc sau: Kiểm kê tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản và lập xong danh sách chủ nợ;
- Gửi giấy triệu tập hội nghị chủ nợ cho tất cả những người có quyền và có nghĩa vụ tham gia hội nghị chủ nợ kèm theo nội dung, chương trình hội nghị chủ nợ;
- Chủ trì, điều phối hội nghị chủ nợ;
- Quyết định hội nghị chủ nợ được tiến hành hay hoãn;
- Kiểm tra thành phần tham gia, điều kiện hợp lệ của hội nghị chủ nợ.
- Chủ thể tham gia hội nghị chủ nợ, quyền và nghĩa vụ của chủ thể tham gia
Điều 77 Luật phá sản 2014 quy định ba đối tượng chủ thể có quyền tham gia hội nghị chủ nợ, gồm:
“1. Chủ nợ có tên trong danh sách chủ nợ. Chủ nợ có thể ủy quyền bằng văn bản cho người khác tham gia Hội nghị chủ nợ và người được ủy quyền có quyền, nghĩa vụ như chủ nợ;
- Đại diện cho người lao động, đại diện công đoàn được người lao động ủy quyền; trường hợp này đại diện cho người lao động, đại diện công đoàn có quyền, nghĩa vụ như chủ nợ;
- Người bảo lãnh sau khi đã trả nợ thay cho doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán; trường hợp này người bảo lãnh trở thành chủ nợ không có bảo đảm”.
Bên cạnh đó, có hai đối tượng chủ thể có nghĩa vụ tham gia hội nghị chủ nợ cũng được pháp luật quy định tại Khoản 1 Điều 78 Luật phá sản 2014, tức là bắt buộc phải tham gia, gồm có: người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; chủ doanh nghiệp hoặc người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán. Trong trường hợp không tham gia được thì hai đối tượng chủ thể này phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác tham gia.
Các chủ thể có quyền tham gia hội nghị chủ nợ và các chủ thể có nghĩa vụ tham gia hội nghị chủ nợ có các quyền và nghĩa vụ tương đương nhau, cụ thể quy định tại Điều 18 Luật phá sản 2014, gồm:
“1. Thực hiện yêu cầu của Thẩm phán, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản và cơ quan thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật về phá sản.
- Cung cấp tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc giải quyết phá sản, yêu cầu về số nợ, giấy tờ, tài liệu chứng minh.
- Yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình để giao nộp cho Tòa án nhân dân.
- Đề nghị Thẩm phán, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ mà tự mình không thể thực hiện được hoặc trưng cầu giám định, định giá, thẩm định giá tài sản; đề nghị Thẩm phán quyết định kiểm toán doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán; đề nghị Thẩm phán triệu tập người làm chứng.
- Được biết và ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ do người tham gia thủ tục phá sản khác xuất trình hoặc do Thẩm phán thu thập.
- Đề nghị áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.
- Nhận thông báo hợp lệ để thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.
- Tự bảo vệ hoặc nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.
- Tham gia hội nghị chủ nợ.
- Đề nghị thay đổi Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản theo quy địnhtại Điều 46 của Luật này.
- Đề nghị Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản bổ sung chủ nợ, người mắc nợ vào danh sách chủ nợ, danh sách người mắc nợ.
- Đề xuất với Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản về việc thu hồi các khoản tiền, tài sản của người mắc nợ.
- Phải có mặt theo yêu cầu của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, giấy triệu tập của tòa án nhân dân và chấp hành các quyết định của tòa án nhân dân trong quá trình giải quyết phá sản.
- Tham gia vào việc quản lý, thanh lý tài sản theo yêu cầu của thẩm phán, cơ quant hi hành án dân sự, quản tài viên, doanh nghiệp quản lý thanh lý tài sản.
- Đề nghị xem xét lại quyết định của tòa án nhân dân theo quy định của Luật này.
- Trường hợp cá nhân tham gia thủ tục phá sản chết thì người thừa kế hợp pháp của họ thực hiện quyền, nghĩa vụ theo quy định tại Điều này”.
Riêng đối tượng có nghĩa vụ tham gia hội nghị chủ nợ là người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản còn có thêm các quyền, nghĩa vụ khác quy định tại Điều 19 Luật phá sản 2014 như sau: “2. Đề xuất với tòa án nhân dân tên Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản trước khi mở thủ tục phá sản; 3. Nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản, trừ trường hợp không phải nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản”.
Ngoài ra, còn đối tượng chủ thể khác tham gia hội nghị chủ nợ với vai trò cố định do pháp luật quy định là Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được phân công giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, được quy định tại Điều 11, Khoản 2 Điều 79 Luật phá sản 2014.
- Triệu tập họp hội nghị chủ nợ
– Thời hạn Thẩm phán triệu tập Hội nghị chủ nợ là 20 ngày kể từ ngày kết thúc việc kiểm kê tài sản trong trường hợp việc kiểm kê tài sản kết thúc sau việc lập danh sách chủ nợ hoặc kể từ ngày kết thúc việc lập danh sách chủ nợ trong trường hợp việc kiểm kê tài sản kết thúc trước việc lập danh sách chủ nợ, trừ trường hợp không phải tổ chức Hội nghị chủ nợ theo quy định tại Điều 105 của Luật này.
– Thông báo triệu tập Hội nghị chủ nợ và tài liệu khác có liên quan phải được gửi cho người có quyền tham gia Hội nghị chủ nợ và người có nghĩa vụ tham gia Hội nghị chủ nợ quy định tại Điều 77 và Điều 78 của Luật này, chậm nhất là 15 ngày trước ngày khai mạc Hội nghị. Giấy triệu tập Hội nghị chủ nợ phải ghi rõ thời gian và địa điểm tổ chức Hội nghị chủ nợ, chương trình, nội dung Hội nghị chủ nợ.
– Thông báo triệu tập Hội nghị chủ nợ, tài liệu gửi bằng phương thức giao trực tiếp, thư bảo đảm, thư thường, fax, telex, thư điện tử hoặc bằng phương thức khác có ghi nhận việc gửi này.
So với với Luật phá sản 2004 trước đây thì quy định về thủ tục triệu tập Hội nghị chủ nợ xét thấy khá rõ ràng về các bước tiến hành, Luật phá sản 2014 có sự thay đổi khi đã rút ngắn thời gian triệu tập hội nghị chủ nợ còn 20 ngày kể từ ngày kết thúc các thủ tục trước đó.
So sánh với Luật phá sản của Nhật Bản, quốc gia này quy định để giải quyết tình trạng một doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, pháp luật Nhật Bản quy định về thủ tục thanh lý tài sản và thủ tục phục hồi, trong đó hội nghị chủ nợ chỉ được tổ chức trong thủ tục phục hồi. Ngược lại, pháp luật phá sản Việt Nam quy định việc tổ chức hội nghị chủ nợ là một thủ tục pháp lý bắt buộc phải tổ chức, từ đó mới đi đến kết luận về tình trạng pháp lý của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán. Ngược lại, đối với Trung Quốc, pháp luật phá sản của nước này không có quy định về hội nghị chủ nợ, thay vào đó, quy định về người quản lý, khái niệm người quản lý này được đánh giá gần như tương đồng với khái niệm người được ủy thác quản lý tài sản phá sản trong thủ tục phá sản của Mỹ, vai trò của người quản lý là giúp đỡ chủ nợ và đảm bảo cho việc phá sản được diễn ra thuận lợi.
- Nguyên tắc, điều kiện tiến hành hội nghị chủ nợ
- Nguyên tắc tiến hành hội nghị chủ nợ
Luật phá sản 2014 đã đề ra những nguyên tắc cơ bản buộc việc tổ chức hội nghị chủ nợ trong quá trình phá sản doanh nghiệp phải tuân thủ, bao gồm:
“Điều 76. Nguyên tắc tiến hành hội nghị chủ nợ
- Tôn trọng thỏa thuận của người tham gia thủ tục phá sản nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội.
- Bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của người tham gia thủ tục phá sản.
- Công khai trong việc tiến hành hội nghị chủ nợ”.
Đây là một điểm mới của Luật phá sản 2014, so với Luật phá sản 2004 trước đó, pháp luật đã đặt ra nguyên tắc cho công việc tiến hành hội nghị chủ nợ. Sự bổ sung này mang lại những ý nghĩa quan trọng, đồng thời góp phần tạo ra những chuẩn mực để đánh giá tính hợp pháp của một hội nghị chủ nợ.
Vấn đề đặt ra nguyên tắc và vấn đề thực thi nguyên tắc trên thực tiễn luôn là hai vấn đề song song nhau và ảnh hưởng trực tiếp lẫn nhau, bởi nguyên tắc có đặt ra nhưng không được áp dụng hoặc áp dụng không triệt để, không đúng thì không mang lại ý nghĩa hoặc thực tế vận hành không đi theo nguyên tắc, không có kim chỉ nam sẽ rất dễ dẫn đến sai lệch. Theo đó, những quy định cụ thể hóa các nguyên tắc tôn trọng thỏa thuận và nguyên tắc công khai trong pháp luật phá sản, nhóm nghiên cứu đánh giá, là rõ ràng và được áp dụng chặt chẽ như những thủ tục bắt buộc trong tố tụng phá sản (tống đạt, triệu tập, gửi tài liệu liên quan, gửi nghị quyết…). Bên cạnh đó, vấn đề bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của người tham gia thủ tục phá sản là nội dung đáng để nhắc đến; tương tự hai nguyên tắc nêu trên, pháp luật phá sản cũng có những điều luật thể hiện chi tiết hóa nguyên tắc bình đẳng như quyền tham gia hội nghị chủ nợ, nghĩa vụ tham gia hội nghị chủ nợ của các thành phần, quyền kiến nghị, đề nghị xem xét lại nghị quyết hội nghị chủ nợ… Tuy vậy, vẫn có những lỗ hổng pháp luật khiến cho tính bình đẳng trong một số trường hợp bị “lãng quên”, điển hình là quy định về điều kiện hợp lệ để tiến hành hội nghị chủ nợ, phân tích ở mục 2.3.2 dưới đây.
- Điều kiện hợp lệ tiến hành hội nghị chủ nợ
Luật phá sản đặt ra những điều kiện để đánh giá tính hợp lệ khi tổ chức hội nghị chủ nợ, nói cách khác, phải đáp ứng đầy đủ điều kiện, cụ thể quy định tại Điều 79 Luật phá sản 2014, thì hội nghị chủ nợ mới được diễn ra, hoặc nếu không thì sẽ hoãn phiên hội nghị đó. Theo đó, Điều 79 quy định chi tiết các điều kiện hợp lệ của một hội nghị chủ nợ gồm:
“1. Có số chủ nợ tham gia đại diện cho ít nhất 51% tổng số nợ không có bảo đảm.
Chủ nợ không tham gia hội nghị chủ nợ nhưng có ý kiến bằng văn bản gửi cho thẩm phán trước ngày tổ chức hội nghị chủ nợ, trong đó ghi rõ ý kiến về những nội dung quy định tại Khoản 1 Điều 83 của Luật này thì được coi như chủ nợ tham gia hội nghị chủ nợ.
- Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được phân công giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sẩn phải tham gia hội nghị chủ nợ”.
So với Luật phá sản 2004, pháp luật phá sản 2014 đã có những thay đổi, bổ sung đầy đủ hơn, chi tiết hơn, nhưng cũng đem lại không ít rắc rối, lúng túng và bất cập trong quá trình áp dụng, gồm các điểm sau:
Thứ nhất, việc “rút gọn câu chữ” về đối tượng chủ nợ, thay vì trước đây là “chủ nợ không có bảo đảm…”[1], đã ít nhiều khiến cho việc hiểu và áp dụng quy định trở nên không thống nhất. Nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng có hai luồng quan điểm với hai cách hiểu khác nhau: (i) “chủ nợ” được đề cập đến trong quy định này chỉ là chủ nợ không có bảo đảm; và (ii) “chủ nợ” nêu trong quy định trên có thể bao gồm số lượng chủ nợ không có bảo đảm và chủ nợ có bảo đảm một phần (có một phần nợ không được bảo đảm)[2]. Việc hiểu không thống nhất quy định pháp luật có thể dẫn đến những hệ lụy pháp lý khá nghiêm trọng nên cần thiết phải khắc phục ngay, đảm bảo tính đơn nghĩa của quy định pháp luật. Có thể lấy một ví dụ cụ thể như sau: Công ty cổ phần A là đơn vị bị yêu cầu tuyên bố phá sản trong vụ việc có 10 chủ nợ không có bảo đảm với số nợ không có bảo đảm là 3 tỷ, có 102 chủ nợ có bảo đảm một phần với số nợ là 100 tỷ và được bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp trị giá 32 tỷ. Nếu áp dụng quy định trên theo cách (i), chúng ta thấy chỉ cần trong 10 chủ nợ không có bảo đảm kia có số chủ nợ đại diện cho 51% x 3 tỷ tham gia hội nghị là đã đáp ứng được điều kiện hợp lệ để tổ chức hội nghị và khi đó, không cần xét đến sự có mặt hay không của các chủ nợ có bảo đảm một phần; nhưng đồng thời, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng, trong số nợ 100 tỷ, chỉ có 32 tỷ được bảo đảm, tức là phần nợ còn lại không bảo đảm có giá trị 68 tỷ (100 tỷ – 32 tỷ), tính chất pháp lý của 68 tỷ giống như tính chất pháp lý của 3 tỷ nhưng lại không được xem xét. Như vậy, liệu có tạo nên sự bất công về mặt quyền lợi của chủ nợ có bảo đảm một phần so với chủ nợ không có bảo đảm hay không?, và, liệu có đáp ứng nguyên tắc bình đẳng về quyền của người tham gia thủ tục phá sản hay không?…
Thứ hai, số hóa quy định đối với số lượng nợ không có bảo đảm được các chủ nợ đại diện tham gia: trước đây là “từ hai phần ba tổng số nợ không có bảo đảm trở lên”[3]thì nay sửa đổi thành “ít nhất 51% tổng số nợ không có bảo đảm”, sự thay đổi một mặt khiến cho quy định có tính định lượng tốt hơn, dễ dàng xác định tính hợp lệ. Tuy nhiên, điểm này đã đem đến không ít bất cập khi áp dụng vào thực tiễn, đơn cử là khi đối chiếu quy định về điều kiện hợp lệ để tổ chức hội nghị chủ nợ với quy định về điều kiện hợp lệ để thông qua nghị quyết hội nghị chủ nợ, có thể thấy rõ sự khập khiễng và những lỗ hổng rất lớn trong hành lang pháp lý. Khoản 2 Điều 81 Luật phá sản 2014 quy định: “Nghị quyết của hội nghị chủ nợ được thông qua khi có quá nửa tổng số chủ nợ không có bảo đảm có mặt và đại diện cho từ 65% tổng số nợ không có bảo đảm trở lên biểu quyết tán thành”. Ta thấy rằng, phải đáp ứng đồng thời hai điều kiện thì nghị quyết hội nghị mới được thông qua, gồm (1) có từ ½ tổng số chủ nợ không bảo đảm trở lên tham gia và (2) tối thiểu ½ số chủ nợ không bảo đảm đó phải đại diện cho từ 65% nợ không bảo đảm trở lên. Thế nhưng, chuyện gì sẽ xảy ra nếu số chủ nợ không có bảo đảm (hoặc đủ ½ số chủ nợ không có bảo đảm) tham gia hội nghị đó chỉ đại diện cho 51% (hoặc đại diện cho từ đủ 51% đến dưới 65% tổng số nợ không có bảo đảm)?; hoặc là, chuyện gì sẽ xảy ra nếu số chủ nợ không có bảo đảm tham gia hội nghị đại diện cho từ đủ 65% số nợ không có bảo đảm trở lên nhưng không đủ số lượng ½ tổng số chủ nợ không có bảo đảm, khi đó hội nghị chủ nợ vẫn đủ điều kiện diễn ra nhưng lại không thể đi đến việc thông qua nghị quyết hội nghị được vì không đáp ứng được đồng thời cả hai điều kiện tỷ lệ định lượng mà luật quy định? Có thể lấy hai ví dụ minh họa cho hai trường hợp này như sau: Công ty cổ phần A là đơn vị bị yêu cầu tuyên bố phá sản trong vụ việc có 10 chủ nợ không có bảo đảm với số nợ không có bảo đảm là 3 tỷ; trường hợp 1, hội nghị chủ nợ có đủ điều kiện hợp lệ để diễn ra với sự tham gia của 5/10 chủ nợ không có bảo đảm (tức có đủ ½ tổng số chủ nợ không có bảo đảm) đại diện cho 1,7 tỷ nợ không bảo đảm (tức trên 51% nhưng dưới 65% tổng nợ không bảo đảm), nhưng lại không đủ tỷ lệ 65% để đi đến biểu quyết thông qua nghị quyết; trường hợp 2, hội nghị chủ nợ có đủ điều kiện hợp lệ để diễn ra với sự tham gia của 3/10 chủ nợ không có bảo đảm (dưới ½ tổng số chủ nợ không có bảo đảm) đại diện cho 2,1 tỷ nợ không bảo đảm (tức là trên 65% tổng nợ không bảo đảm), nhưng vẫn không đủ tỷ lệ ½ trên tổng chủ nợ không bảo đảm để đi đến biểu quyết thông qua nghị quyết. Vậy rõ ràng, điều kiện về con số “ít nhất 51% số nợ không có bảo đảm” quy định tại Điều 79 và việc đủ điều kiện hợp lệ để mở hội nghị chủ nợ sẽ không còn ý nghĩa gì nữa nếu hội nghị chủ nợ mở ra mà lại không thể đi đến và thông qua nghị quyết vì không đáp ứng tỷ lệ biểu quyết quy định tại Điều 81. Về mặt lý luận cũng như áp dụng thực tiễn, trong các trường hợp nêu trên, việc tổ chức hội nghị chủ nợ được diễn ra nhưng không thể đi đến thống nhất thông qua nghị quyết hội nghị sẽ là những tình huống pháp lý thuộc phạm vi điều chỉnh của Khoản 3 Điều 80 Luật phá sản 2014: “Trường hợp triệu tập lại hội nghị chủ nợ theo quy định tại Khoản 2 Điều này mà vẫn không đáp ứng quy định tại Điều 79 của Luật này thì Thẩm phán lập biên bản và quyết định tuyên bố phá sản” và Khoản 4 Điều 83 Luật phá sản 2014: “Trường hợp hội nghị chủ nợ không thông qua được nghị quyết theo quy định tại Khoản 2 Điều 81 của Luật này thì Tòa án nhân dân tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản”, tức là đều đi đến kết quả tuyên bố phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã;tuy nhiên, khi đứng giữa hai luận thuyết: hoặc là ưu tiên bảo vệ và cứu vớt đơn vị kinh tế để đảm bảo sự phát triển kinh tế và việc làm cho người lao động, hoặc ngược lại, bảo vệ tối đa quyền lợi của các chủ nợ và hi sinh doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, sự ra đời của Luật phá sản Việt Nam không hoàn toàn nghiêng về luận thuyết này hay luận thuyết kia, mà đường lối chung là cố gắng cứu vớt doanh nghiệp trong thời gian đầu, nếu không được thì thực hiện phá sản doanh nghiệp và bảo đảm sự bình quyền giữa các chủ nợ cùng loại[4];cho nên, nhóm nghiên cứu cho rằng, quy định pháp luật tạo ra tối đa cơ hội hướng đến phục hồi doanh nghiệp sẽ trở nên cần thiết hơn, vì vậy, việc “chừa lại” một khoảng tỷ lệ (trên 51% đến dưới 65%) không nằm trong dự liệu của pháp luật mà đều quy hết về một hậu quả pháp lý là tuyên bố phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ không phải là một sự lựa chọn tối ưu.
Thứ ba, Luật phá sản 2014 tạo điều kiện cho chủ nợ vì lý do nào đó không tham gia được hội nghị chủ nợ đã ấn định ngày tháng (không kể vì lý do chính đáng hay không) vẫn được quyền nêu ý kiến của mình bằng văn bản gửi đến cho Thẩm phán được phân công thụ lý vụ việc trước ngày tổ chức hội nghị chủ nợ. Điểm đổi mới này được đánh giá cao vì đã mở ra thêm một con đường khác cho các chủ nợ tiếp cận hội nghị chủ nợ, thực hiện quyền ý kiến của mình tại hội nghị chủ nợ ngay cả khi không thể có mặt trực tiếp. Dù vậy, các chủ nợ, đặc biệt là các chủ nợ đang cư trú ở nước ngoài, muốn thực hiện quyền tham gia, quyền ý kiến của mình tại hội nghị chủ nợ thì buộc phải có sự tìm hiểu, theo dõi sát sao ngay từ giai đoạn bắt đầu của việc mở thủ tục phá sản đối với con nợ của mình, nhằm kịp thời thực hiện các công tác ủy quyền, lập văn bản ý kiến thông qua các thủ tục chứng thực, hợp pháp hóa lãnh sự để gửi tài liệu về Việt Nam trong trường hợp không tự tham gia được.
Khi một hội nghị chủ nợ diễn ra không đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 79 Luật phá sản 2014, như đã được phân tích ở trên thì hội nghị chủ nợ đó phải hoãn; đồng thời, Thẩm phán phải thông báo ngay trong ngày hoãn hội nghị chủ nợ cho người tham gia thủ tục phá sản về việc hoãn hội nghị chủ nợ; việc tổ chức lại hội nghị chủ nợ lần tiếp theo sẽ phải diễn ra trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hoãn đó[5].
Nếu như Luật phá sản 2004 trước đây, ngoài trường hợp hoãn do không đáp ứng đủ điều kiện hợp lệ mở hội nghị, còn quy định thêm hai trường hợp khác dẫn đến phải hoãn phiên hội nghị như “quá nửa số chủ nợ không có bảo đảm có mặt tại hội nghị chủ nợ biểu quyết đề nghị hoãn hội nghị chủ nợ”, “người có nghĩa vụ tham gia hội nghị chủ nợ vắng mặt có lý do chính đáng”[6], thì nay việc hoãn hội nghị chủ nợ theo Luật phá sản 2014 hoàn toàn căn cứ trên điều kiện hợp lệ tổ chức hội nghị chủ nợ, tức là chỉ có duy nhất một trường hợp dẫn đến hậu quả pháp lý hoãn hội nghị chủ nợ mà thôi. Điều đó có nghĩa khi một hội nghị chủ nợ đáp ứng đủ điều kiện để tổ chức theo quy định tại Điều 79 Luật phá sản 2014 thì, một là, những người có nghĩa vụ tham gia hội nghị chủ nợ theo quy định tại Điều 78 Luật phá sản 2014 buộc phải tự mình tham gia hoặc buộc phải ủy quyền cho người đại diện của mình tham gia; hai là, những người có nghĩa vụ tham gia hội nghị chủ nợ này không có quyền xin hoãn phiên hội nghị đó (như quy định trước đây của Luật phá sản 2004), trong trường hợp cố ý vắng mặt, không cử người đại diện tham gia thì Quản tài viên/doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản lập tức có quyền đề nghị, Tòa án lập tức có quyền xử lý theo quy định, lập biên bản và quyết định tuyên bố phá sản, dù đó là lần đầu tiên mở hội nghị chủ nợ; ba là, các chủ nợ không có bảo đảm hoặc là có mặt đầy đủ, hoặc là gửi văn bản ý kiến để thực hiện quyền của mình, mà không có quyền đề nghị hoãn hội nghị chủ nợ đó (như quy định trước đây của Luật phá sản 2004). Quy định đổi mới của Luật phá sản 2014, nhóm nghiên cứu đánh giá, là một bước tiến có lợi, thúc đẩy quá trình giải quyết vụ việc trở nên nhanh chóng hơn, hạn chế tối đa việc kéo dài hoặc cố tình kéo dài thời gian của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán bị yêu cầu tuyên bố phá sản, không tạo cơ hội cho sự “cấu kết”, “bè phái” của các chủ nợ không có bảo đảm gây bất lợi cho các chủ nợ không có bảo đảm khác, các chủ nợ có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần.
Mặt khác, chính vì việc hoãn hội nghị chủ nợ hoàn toàn căn cứ trên điều kiện hợp lệ để tổ chức hội nghị chủ nợ, có thể thấy việc có hay không có sự tham gia của chủ nợ có bảo đảm và chủ nợ có bảo đảm một phần không ảnh hưởng đến vấn đề xem xét hoãn tổ chức hội nghị chủ nợ, nhưng chỉ cần chủ nợ không có bảo đảm vắng mặt dẫn đến có số lượng tham gia không đủ tỷ lệ định lượng hợp lệ quy định tại Điều 79 thì chắc chắn hội nghị chủ nợ đó phải hoãn, hay nói cách khác, “chủ nợ có bảo đảm và chủ nợ có bảo đảm một phần dù có muốn hoãn hội nghị chủ nợ hay không cũng không thể chi phối đến hội nghị chủ nợ bằng quyền này như chủ nợ không có bảo đảm”[7], điều này ít nhiều ảnh hưởng đến tính bình đẳng về quyền lợi giữa đối tượng chủ nợ không có bảo đảm và các đối tượng chủ nợ có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần. Ta buộc phải đặt ra so sánh để thấy được sự khập khiễng này bởi lẽ lợi ích và khả năng thu hồi nợ có một phần bảo đảm cũng có một phần bị rủi ro như thu hồi nợ không có bảo đảm; cho nên, việc gạt bỏ đối tượng chủ nợ có bảo đảm một phần ra khỏi tiêu chí đánh giá điều kiện hợp lệ để tổ chức hội nghị chủ nợ là gián tiếp làm ảnh hưởng đến quyền lợi của họ và xâm phạm đến nguyên tắc bình đẳng về quyền của người tham gia thủ tục phá sản.
Hội nghị chủ nợ diễn ra trong quá trình phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã là một thủ tục pháp lý được thực hiện với nội dung chính là tổng hợp các yêu cầu, vấn đề xoay quanh việc yêu cầu phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, giúp chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, các chủ nợ và những chủ thể khác liên quan xem xét tình hình năng lực từ đó đưa ra giải pháp cụ thể cho quá trình phá sản của doanh nghiệp thông qua việc thống nhất ý chí chung các bên bằng nghị quyết hội nghị chủ nợ. Pháp luật phá sản hiện hành quy định riêng điều khoản chi tiết về quá trình diễn ra hội nghị chủ nợ, tại Điều 81.
Trình tự diễn ra hội nghị chủ nợ diễn ra gồm 3 phần chính, được tóm tắt như sau:
Phần 1, thủ tục khai mạc, gồm:
- Thẩm phán chịu trách nhiệm khai mạc hội nghị;
- Cử thư ký hội nghị dựa trên đề xuất của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản;
- Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản kiểm tra và báo cáo tình hình vắng mặt, có mặt của các thành phần tham gia;
- Thẩm phán phụ trách hông báo nội dung việc giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Phần 2, nội dung chính của buổi hội nghị chủ nợ, gồm:
- Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thông báo trước toàn thể về tình hình kinh doanh, thực trạng, kết quả kiểm kê tài sản, danh sách chủ nợ cùng các nội dung khác;
- Tiếp theo, các thành phần tham gia trình bày ý kiến về vấn đề yêu cầu phá sản, về quyền và nghĩa vụ liên quan, đề xuất các giải pháp giải quyết tình hình hiện tại, lần lượt theo thứ tự là: (1) đơn vị bị yêu cầu phá sản, (2) chủ nợ, (3) người liên quan, (4) người làm chứng, (5) người giám định, cơ quan thẩm định giá, (6) người bổ trợ tư pháp; trường hợp có thành phần vắng mặt gửi văn bản ý kiến thì Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản sẽ công bố văn bản, tài liệu được gửi đến;
- Thảo luận tại hội nghị.
Phần 3, biểu quyết và thông qua nghị quyết: các vấn đề thảo luận tại phần 2 buổi hội nghị sẽ được biểu quyết và đi đến thông qua hoặc không, cụ thể: “Nghị quyết của hội nghị chủ nợ được thông qua khi có quá nửa tổng số chủ nợ không có bảo đảm có mặt và đại diện cho từ 65% tổng số chủ nợ không có bảo đảm trở lên biểu quyết tán thành. Nghị quyết của hội nghị chủ nợ có hiệu lực ràng buộc đối với tất cả các chủ nợ” (trích Khoản 2 Điều 81 Luật phá sản 2014). Quy định điều kiện hợp lệ để thông qua nghị quyết có một điểm mới so với Luật phá sản 2004, thay vì trước đây quy định “nghị quyết… phải được quá nửa số chủ nợ khôngcó bảo đảm có mặt tại hội nghị đại diện cho từ hai phần ba tổng số nợ không có bảo đảm trở lên thông qua”[8]. Điểm đổi mới này tuy chỉ là sự số hóa quy định nhưng hệ quả pháp lý mà nó mang lại trong quá trình thực thi pháp luật phá sản lại rất lớn, có thể thấy rõ nhất khi thực hiện so sánh điều kiện hợp lệ để tổ chức hội nghị chủ nợ và điều kiện hợp lệ để thông qua nghị quyết hội nghị chủ nợ trong Luật phá sản 2014 (lần lượt là 51%… – ½ chủ nợ không bảo đảm và 65%…) và trong Luật phá sản 2004 (lần lượt quá nửa chủ nợ không có bảo đảm và 2/3 nợ không bảo đảm – quá nửa chủ nợ không bảo đảm và 2/3 nợ không bảo đảm). Điểm này đã được phân tích chi tiết tại mục 2.3.2.
Trên đây là một số phân tích của công ty Luật Đỉnh Phong về hội nghị chủ nợ, và quy định pháp luật Việt Nam về hội nghị chủ nợ. Nếu Qúy khách hàng có bất cứ vấn đề gì cần tư vấn thêm, xin vui lòng liên hệ đường dây hotline: 0915775 833 để được tư vấn.
Trân trọng!
Luật Đỉnh Phong
[1] Xem Khoản 1 Điều 65 Luật phá sản 2004, hiện nay đã hết hiệu lực thi hành.
[2] Bùi Xuân Hải (2011), Quy định về hội nghị chủ nợ trong luật phá sản 2004: một số bất cập và hạn chế, Tạp chí khoa học pháp lý Việt Nam 01 (62)/2011, https://tapchikhplvn.hcmulaw.edu.vn/module/xemchitietbaibao?oid=db925620-a31f-46a8-b0dd-2f4be105411e, truy cập ngày 02/8/2021.
[3] Xem Khoản 1 Điều 65 Luật phá sản 2004, hiện nay đã hết hiệu lực thi hành.
[4] Văn Xuân Quỳnh Trang (2014), Quy chế pháp lý của hội nghị chủ nợ, Đại học quốc gia Hà Nội, https://www.slideshare.net/trongthuy2/luan-van-quy-che-phap-li-cua-hoi-nghi-chu-no-hot, truy cập ngày 02/8/2021.
[5] Xem Điều 80 Luật phá sản 2014.
[6]Xem Khoản 2, Khoản 3 Điều 66 Luật phá sản 2004, hiện nay đã hết hiệu lực thi hành.
[7]Văn Xuân Quỳnh Trang (2014), Quy chế pháp lý của hội nghị chủ nợ, Đại học quốc gia Hà Nội, https://www.slideshare.net/trongthuy2/luan-van-quy-che-phap-li-cua-hoi-nghi-chu-no-hot, truy cập ngày 02/8/2021.