Xóa án tích là gì?

XÓA ÁN TÍCH LÀ GÌ? TẠI SAO PHẢI XÓA ÁN TÍCH? THỦ TỤC XÓA ÁN TÍCH ĐƯỢC QUY ĐỊNH NHƯ THẾ NÀO?

1. Thế nào là xóa án tích?

Xóa án tích là việc một người đã bị kết án về một tội phạm, đã chấp hành xong các hình phạt và điều kiện về xóa án tích thì được xóa án tích theo quy định pháp luật. Một người sau khi xóa án tích được coi là chưa phạm tội.

Căn cứ theo khoản 1 Điều 69 Bộ luật Hình sự, người được xóa án tích thì coi như chưa bị kết án.

2.Vậy tại sao phải xóa án tích?

Việc xóa án tích sẽ được coi là người chưa bị kết án. Đây là quy định nhân văn của Nhà nước đối với những người phạm tội. Sau khi chấp hành án xong, họ trải qua một khoảng thời gian thử thách nhất định sẽ được xóa án tích, giúp cho họ tái hòa nhập cộng đồng, giảm đi sự tự ti và mặc cảm đối với những sai lầm trước đây của mình.

Ngoài ra, việc người bị kết án chưa được xóa án tích lại phạm tội mới thì có thể được xem là việc tái phạm, tái phạm nguy hiểm tùy thuộc vào mức độ lỗi, và mức độ vi phạm của tội mới (Điều 53 Bộ luật hình sự).

Bên cạnh đó theo quy định tại Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015, việc tái phạm hay tái phạm nguy hiểm là tình tiết tăng nặng, đây là căn cứ quan trọng để Tòa án quyết định mức hình phạt cho người có hành vi phạm tội.

Trong một số tội phạm thì việc người đã bị kết án chưa được xóa án tích mà tái phạm thì được xem là yếu tố định tội, định khung hình phạt, cụ thể ở một số ví dụ  như sau:

– Tội trốn thuế theo quy định tại Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi điểm a khoản 47 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017):

      “Tội trốn thuế:

  1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm: …”

– Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 355 Bộ luật Hình sự 2015:

      “Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản

  1. Người nào lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 06 năm:
  2. a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
  3. b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. …”

3. Cách tính thời hạn để xóa án tích:

Căn cứ theo Điều 73 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017, cách tính thời hạn xóa án tích được quy định như sau:

– Với trường hợp đương nhiên xóa án tích và xóa án tích theo quyết định của Tòa án, thời hạn xóa án tích sẽ căn cứ vào hình phạt chính đã tuyên.

– Người bị kết án chưa được xóa án tích mà thực hiện hành vi phạm tội mới và bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực thì thời hạn để xóa án tích cũ:

+ Được tính lại kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính; hoặc

+ Thời gian thử thách án treo của bản án mới; hoặc

+ Từ ngày bản án mới hết thời hiệu thi hành.

– Người bị kết án trong trường hợp phạm nhiều tội mà có tội thuộc trường hợp đương nhiên được xóa án tích, có tội thuộc trường hợp xóa án tích theo quyết định của Tòa án thì căn cứ vào thời hạn quy định tại Điều 71 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 để quyết định việc xóa án tích đối với người đó.

– Người được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại cũng được coi như đã chấp hành xong hình phạt.

4. Các trường hợp được xóa án tích

Theo quy định thì có 03 trường hợp được xóa án tích gồm:

  •  Đương nhiên được xóa án tích
  • Xóa án tích theo quyết định của Tòa án
  • Xóa án tích trong trường hợp đặc biệt.

a) Đương nhiên được xóa án tích

Theo Điều 70 Bộ luật Hình sự, các trường hợp đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích gồm:

– Người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật Hình sự khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 70 Bộ luật Hình sự.

– Người bị kết án được xóa án tích trong trường hợp từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:

+ 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;

+ 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;

+ 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;

+ 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.

Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều 70 Bộ luật Hình sự thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.

–  Người bị kết án được xóa án tích, trong trường hợp từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 70 Bộ luật Hình sự.

b)  Xóa án tích theo quyết định của Tòa án

Theo Điều 71 Bộ luật Hình sự, các trường hợp đủ điều kiện xóa án tích theo quyết định của Toà án gồm:

– Xóa án tích theo quyết định của Toà án được áp dụng với người bị kết án về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật Hình sự khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 71 Bộ luật Hình sự.

Tòa án quyết định việc xóa án tích đối với những người đã bị kết án về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật Hình sự, căn cứ vào tính chất của tội phạm đã thực hiện, thái độ chấp hành pháp luật, thái độ lao động của người bị kết án.

–  Người bị kết án được Tòa án quyết định xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:

+ 03 năm trong trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 05 năm;

+ 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;

+ 07 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.

Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại điểm a khoản 2 Điều 71 Bộ luật Hình sự thì thời hạn được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.

– Người bị kết án được Tòa án quyết định xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 71 Bộ luật Hình sự.

– Người bị Tòa án bác đơn xin xóa án tích lần đầu, thì sau 01 năm mới được xin xóa án tích; nếu bị bác đơn lần thứ hai trở đi, thì sau 02 năm mới được xin xóa án tích.

c) Xóa án tích trong trường hợp đặc biệt

Trong trường hợp người bị kết án có những biểu hiện tiến bộ rõ rệt và đã lập công, được cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú đề nghị, thì Tòa án quyết định việc xóa án tích nếu người đó đã bảo đảm được ít nhất một phần ba thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 70 và khoản 2 Điều 71 của Bộ luật Hình sự.

5. Thủ tục xóa án tích

a) Thủ tục xóa án tích trong trường hợp đương nhiên được xóa án tích

(cơ quan có thẩm quyền xác nhận xóa án tích đương nhiên)

– Theo khoản 1 Điều 369 Bộ luật Tố tụng Hình sự, người đương nhiên được xóa án tích yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp để chứng nhận việc đã được xoá án tích. Theo đó cơ quan quản lý dữ liệu lý lịch tư pháp có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án; và khi có yêu cầu thì cấp phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích; nếu đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 70 BLHS.

Trong trường hợp không thuộc đương nhiên xóa án tích thì người phải thực hiện theo thủ tục xóa án tích theo quyết định của Tòa án như mục b bên dưới.

Theo đó, hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp gồm:

+ Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp

+ Bản chụp giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

+ Bản chụp sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận thường trú hoặc tạm trú của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

–  Nơi nộp hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư:

+ Công dân Việt Nam nộp tại Sở Tư pháp nơi thường trú; trường hợp không có nơi thường trú thì nộp tại Sở Tư pháp nơi tạm trú; trường hợp cư trú ở nước ngoài thì nộp tại Sở Tư pháp nơi cư trú trước khi xuất cảnh;

+ Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam nộp tại Sở Tư pháp nơi cư trú; trường hợp đã rời Việt Nam thì nộp tại Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia.

*Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của người được đương nhiên xóa án tích và xét thấy có đủ điều kiện quy định tại Điều 70 của Bộ luật hình sự thì cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp phiếu lý lịch tư pháp là họ không có án tích.

b) Thủ tục xóa án tích trong trường hợp xóa án tích theo quyết định của Toà án

Theo khoản 2 Điều 369 Bộ luật Tố tụng Hình sự, người bị kết án nộp hồ sơ lên Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án các giấy tờ sau đây:

+ Đơn đề nghị xóa án tích

+ Giấy chứng nhận không phạm tội mới của cơ quan công an cấp xã/phường/thị trấn nơi người bị kết án thường trú.

+ Giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù.

+ Giấy xác nhận của cơ quan thi hành án dân sự về việc thi hành xong các khoản bồi thường, án phí, tiền phạt.

+ Bản sao sổ hộ khẩu.

+ Bản sao chứng minh nhân dân.

*Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được đơn của người bị kết án, Tòa án đã xét xử sơ thẩm chuyển tài liệu về việc xin xóa án tích cho Viện kiểm sát cùng cấp.

*Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận tài liệu do Tòa án chuyển đến, Viện kiểm sát cùng cấp có ý kiến bằng văn bản và chuyển lại tài liệu cho Tòa án.

Nếu xét thấy đủ điều kiện thì trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận tài liệu do Viện kiểm sát chuyển đến, Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm phải ra quyết định xóa án tích; trường hợp chưa đủ điều kiện thì quyết định bác đơn xin xóa án tích.

*Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày ra quyết định xóa án tích hoặc quyết định bác đơn xin xóa án tích, Tòa án đã ra quyết định phải gửi quyết định này cho người bị kết án, Viện kiểm sát cùng cấp, chính quyền xã, phường, thị trấn nơi họ cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi họ làm việc, học tập.

6. Dịch vụ Luật sư tư vấn về thủ tục xóa án tích.

Nếu quý khách cần một đơn vị hỗ trợ pháp lý trong việc tư vấn, hướng dẫn về thủ tục xóa án tích, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ tốt nhất. Ngoài việc tư vấn các vấn đề pháp lý liên quan đến yêu cầu của quý khách hàng, chúng tôi còn trực tiếp soạn thảo hồ sơ, đại diện cho khách hàng làm việc với cơ quan nhà nước cho đến khi nhận được kết quả cuối cùng

LUẬT ĐỈNH PHONG tự tin với đội ngũ chuyên viên tư vấn, luật sư có nhiều năm kinh nghiệm trong tư vấn pháp luật sẽ mang đến cho quý khách những trải nghiệm tốt nhất khi sử dụng dịch vụ của chúng tôi.

Trên đây là thông tin giải đáp vướng mắc về cấp Thủ tục xóa án tích LUẬT ĐỈNH PHONG gửi đến Quý độc giả. Nếu Quý độc giả có bất kỳ vướng mắc nào liên quan cần giải đáp thêm, xin vui lòng liên hệ với LUẬT ĐỈNH PHONG để được tư vấn trực tiếp.

CÔNG TY LUẬT TNHH ĐỈNH PHONG

Địa chỉ: Số 108 Trần Đình Xu, phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1, TP.HCM

Hotline: 0941 941 768

Email: luatdinhphong2020@gmail.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *