Theo quy định tại Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015 thì vi phạm chế độ một một chồng là trường hợp một người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ.
1. Cấu thành tội phạm của tội danh
a) Chủ thể
Đối với tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng được quy định tại Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015 thì chủ thể thực hiện là chủ thể thường (đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 12 BLHS và có năng lực trách nhiệm hình sự đầy đủ).
b) Khách thể
Tội danh trên đã có sự xâm phạm đến chế độ hôn nhân một vợ, một chồng được ghi nhận là một trong những quyền pháp định tại Điều 36 Hiến Pháp và là nguyên tắc cơ bản được quy định trong Luật Hôn nhân và gia đình.
c) Mặt chủ quan
Người phạm tội này thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp. Vì người vi phạm chế độ một vợ, một chồng là người nhận thức được mình là người đã có chồng hoặc vợ hoặc đã biết rõ người khác đã có chồng hoặc có vợ nhưng vẫn thực hiện hành vi trái pháp luật là chung sống hoặc kết hôn với người đó, thấy trước hậu quả và mong muốn hậu quả ấy xảy ra.
d) Mặt khách quan
Đối với tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng thì mặt khách quan có những dấu hiệu sau:
+ Hành vi
Bộ luật hình sự đã đưa ra quy định về hành vi phạm tội tại khoản 1 Điều 182 như sau:
– Hành vi kết hôn trái phép giữa một người đã có vợ, chồng với người khác (có thể đã có vợ, chồng hoặc chưa). Đây là trường hợp một người đã có quan hệ hôn nhân nhưng lại cố tình dùng thủ đoạn che giấu cơ quan có thẩm quyền để có thể kết hôn với một người khác.
– Hành vi chung sống như vợ chồng của một người đã có vợ, chồng với một người khác (có thể đã có vợ, chồng hoặc chưa). Hiện nay, chưa có một văn bản hướng dẫn chi tiết như thế nào được xem là hành vi “chung sống như vợ chồng”. Tuy nhiên, chúng ta có thể dựa trên tinh thần hướng dẫn của Thông tư Liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn áp dụng Chương “Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình” trong Bộ luật Hình sự năm 1999, tại khoản 3.1 của Điều 3 đã đưa ra những tiêu chí để chứng minh cho hành vi trên, đó là: có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó . Từ văn bản hướng dẫn trên, ta hiểu một người được xem có hành vi chung sống như vợ chồng là khi thuộc vào một trong ba trường hợp được liệt kê như trên. Thông tư trên không chỉ ràng buộc ở 3 tiêu chí liệt kê mà quy định đây là một danh sách mở với phần “…”, khi tiến hành xét xử, Tòa án có thể xem xét trên thực tế hành vi của người vi phạm để tiến hành xem xét.
2. Khung hình phạt
Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng được quy định tại Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt như sau:
* Khung 1:
Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
– Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
– Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
* Khung 2:
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
– Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;
– Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.
Bên cạnh đó, nếu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì người có hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng bị xử phạt hành chính hành vi vi phạm chế độ một vợ một chồng theo quy định tại Khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP như sau:
“1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
…”
Tóm lại, cá nhân đã kết hôn chỉ được có một vợ hoặc một chồng; và trong thời kì hôn nhân không được kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác. Nếu cá nhân vi phạm nguyên tắc này tuỳ theo mức độ nghiêm trọng sẽ bị xử lý hành chính/hình sự.
Luật Đỉnh Phong
Bài viết liên quan:
Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật