1. Khái niệm về “Giao dịch giả tạo nhằm tẩu tán tài sản”
Bộ luật dân sự 2015 chưa có định nghĩa cụ thể về khái niệm “Giao dịch giả tạo nhằm tẩu tán tài sản”. Tuy nhiên, có thể hiểu Hành vi tẩu tán tài sản là bên có nghĩa vụ không muốn thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản thuộc sở hữu của bản thân đối với bên có quyền, nên tìm cách để che giấu đi tài sản như xác lập hợp đồng mua bán, tặng cho, từ chối quyền tài sản… nhằm thể hiện bản thân không còn khả năng để thực hiện nghĩa vụ với bên có quyền. Thực chất, các giao dịch thông qua hành vi tẩu tán tài sản chỉ là một giao dịch bề ngoài mang tính giả tạo, không đồng nhất với ý chí thực chất của các bên và mục đích của hợp đồng.
Như vậy, hiểu một cách đơn giản giao dịch giả tạo nhằm tẩu tán tài sản là giao dịch không đúng với ý chí thực chất của các bên xác lập, không đúng với mục đích của loại hợp đồng, vi phạm nguyên tắc tự nguyện trong pháp luật dân sự và được xác lập nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba – bên có quyền.
Ví dụ: A xác lập hợp đồng tặng cho với B nhưng ý chí thực sự của A là nhờ B giữ giùm tài sản, không có ý định chuyển quyền sở hữu cho B, nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ tài sản với bên thứ ba là C. Trong trường hợp này, A và B không muốn xác lập hợp đồng tặng cho nhưng buộc phải làm vì không muốn tài sản của A bị kê biên đối với C. Đây là giao dịch giả tạo nhằm tẩu tán tài sản.
2. Hệ quả pháp lý của giao dịch giả tạo nhằm tẩu tán tài sản
Giao dịch giả tạo nhằm tẩu tán tài sản về bản chất là hợp đồng giả tạo và theo luật thì đây là hợp đồng vô hiệu theo khoản 2 Điều 124 Bộ luật dân sự 2015:
2. Trường hợp xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch dân sự đó vô hiệu .
Theo đó, căn cứ Điều 131 Bộ luật dân sự 2015, hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu bao gồm những vấn đề sau:
2.1. Không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập (khoản 1)
Giao dịch giả tạo nhằm tẩu tán tài sản là hành vi mà các bên tham gia ký kết hợp đồng hoặc thỏa thuận với mục đích che giấu tài sản thật sự, nhằm tránh né nghĩa vụ tài chính hoặc lừa dối bên thứ ba. Theo quy định của pháp luật, những giao dịch như vậy sẽ bị coi là vô hiệu và không phát sinh hiệu lực pháp lý. Điều này có nghĩa là từ thời điểm giao dịch được xác lập là vô hiệu, quyền và nghĩa vụ dân sự của các bên sẽ không bị thay đổi, không phát sinh mới và cũng không bị chấm dứt bởi giao dịch đó. Tất cả các quyền và nghĩa vụ trước đó vẫn giữ nguyên, đảm bảo rằng các bên không thể lợi dụng giao dịch giả tạo để làm tổn hại đến quyền lợi hợp pháp của người khác hoặc trốn tránh nghĩa vụ tài chính của mình.
2.2. Các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận (khoản 2)
Các bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu (ví dụ trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nếu trước khi giao dịch vô hiệu này diễn ra ở vị trí đó chỉ có một mảnh đất tuy nhiên sau khi thực hiện giao dịch thì lại có thêm một căn nhà thì căn nhà này phải được dỡ bỏ); sau đó các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận (bên nhận tiền phải hoàn trả lại cho bên có nghĩa vụ số tiền đã thanh toán, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, …). Bên cạnh đó, nếu không thể hoàn trả bằng hiện vật thì các bên phải trị giá bằng tiền để hoàn trả .
2.3. Hoa lợi, lợi tức (khoản 3)
Như đã phân tích, về mục đích cũng như nội dung của hợp đồng giả tạo thì đây là hợp đồng có sự phối hợp giữa các bên trong hợp đồng nhằm có thể trốn tránh được các nghĩa vụ với bên thứ ba, khi này các bên có những lợi ích nhất định. Do đó bên thu hoa lợi, lợi tức trong trường hợp này không phải là bên ngay tình do đó cũng không được hưởng quyền giữ lại hoa lợi, lợi tức và phải hoàn trả .
2.4. Bên có lỗi thì phải bồi thường (khoản 4)
Nhìn chung đối với hợp đồng này thì các bên đều có lỗi tuy nhiên không phải trường hợp nào các bên cũng đều có lỗi như nhau mà có thể tùy trường hợp nếu các bên có những lỗi chênh lệch nhau vậy nên cần các định mức độ lỗi của từng bên để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Trên đây là quy định của pháp luật hiện hành về giao dịch giả tạo nhằm tẩu tán tài sản và hệ quả pháp lý. Nếu Quý khách hàng gặp bất kỳ câu hỏi hay khó khăn nào liên quan đến nội dung của bài viết hoặc vấn đề pháp lý, chúng tôi xin trân trọng đề nghị Quý khách hàng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0941 941 768 để được giải đáp một cách nhanh chóng và kịp thời.
Luật Đỉnh Phong