1. Tài sản là gì ?
Theo Điều 105 BLDS 2015 quy định:“ Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.” Tuy vậy do đặc thù của phương thức kiện đòi lại tài sản nên không phải những loại tài sản nào được liệt kê tại Điều 105 trên cũng là đối tượng của kiện đòi tài sản. Mà đó phải là những vật có thực và đang tồn tại trên thực tế. Quyền tài sản là loại tài sản vô hình thì không thể xem là đối tượng của quyền kiện đòi tài sản.
2. Các quy định pháp luật đối với việc đòi lại tài sản:
+ Điều 166: Quyền đòi lại tài sản
1. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.
2. Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ sự chiếm hữu của chủ thể đang có quyền khác đối với tài sản đó.
+ Điều 167: Quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình
Chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình trong trường hợp người chiếm hữu ngay tình có được động sản này thông qua hợp đồng không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản; trường hợp hợp đồng này là hợp đồng có đền bù thì chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản nếu động sản đó bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu.
+ Điều 168: Quyền đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc bất động sản từ người chiếm hữu ngay tình
Chủ sở hữu được đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc bất động sản từ người chiếm hữu ngay tình, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 133 của Bộ luật này.
3. Điều kiện áp dụng phương thức kiện đòi tài sản:
+ Thứ nhất, về chủ thể:
Chủ thể kiện đòi tài sản trước hết phải là người có năng lực hành vi tố tụng dân sự và chủ thể đó phải chứng minh được mình là chủ sở hữu hoặc có quyền khác đối với tài sản một cách hợp pháp.
Đồng thời, chủ thể bị kiện đòi phải là người chiếm hữu hoặc là người sử dụng tài sản hay là người được hưởng lợi từ tài sản mà không có căn cứ pháp luật.
+ Thứ hai, các trường hợp áp dụng kiện đòi lại tài sản:
Khoản 1 Điều 166 BLDS 2015, người sở hữu tài sản có quyền yêu cầu Tòa án buộc chủ thể người có hành vi chiếm đoạt tài sản bất hợp pháp trả lại tài sản cho mình. Tuy nhiên, trong một số trường hợp người sở hữu sẽ không thể đòi lại tài sản của mình khi người chiếm hữu có quyền khác theo khoản 2 Điều 166 BLDS 2015. Cụ thể các quyền khác theo Điều 159 BLDS 2015 là: quyền bề mặt, quyền hưởng dụng hay quyền đối với bất động sản liền kề.
Điều 167 BLDS 2015, chủ sở hữu động sản có quyền đòi lại tài sản không phải đăng kí từ người chiếm hữu ngay tình thông qua hợp đồng không đền bù với bên không có quyền đối với tài sản. Theo đó, chiếm hữu ngay tình là việc chiếm hữu mà người chiếm hữu có căn cứ để tin rằng mình có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu. Người không có quyền đối với tài sản là người thuê, mượn, vận chuyển,… hay không được sự đồng thuận của chủ sở hữu nhưng vẫn chuyển giao cho người khác thông qua hợp đồng không đền bù như tặng, cho. Như vậy, chủ sở hữu có thể kiện đòi lại tài sản của mình.
Mặt khác, trường hợp động sản bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu thì dù người chiếm hữu ngay tình hay không thông qua hợp đồng hợp đồng có đền bù thì vẫn phải hoàn trả lại tài sản cho chủ sở hữu.
Điều 168 BLDS 2015, chủ thể vẫn có quyền đòi lại tài sản là động sản đã đăng kí quyền sở hữu. Nhưng vẫn có trường hợp ngoại lệ theo khoản 2 Điều 133 BLDS 2015 khi giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng kí và chuyển giao và người thứ ba căn cứ vào điều này để thực hiện giao dịch thì chủ sở hữu sẽ không có quyền được kiện. Tuy vậy, theo khoản 3 Điều 133 BLDS 2015, chủ thể vẫn có thể yêu cầu người có lỗi khiến mình bị mất tài sản bồi thường thiệt hại.
* Lưu ý trường hợp không áp dung được phương thức kiện đòi lại tài sản:
Trường hợp người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng chiếm hữu ngay tình tài sản là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu, thông qua hợp đồng có đền bù và tài sản khi rời khỏi chủ sở hữu có căn cứ pháp luật như cho mượn, cho thuê… thì chủ sở hữu trong trường hợp này sẽ không được kiện đòi lại tài sản của người đang thực tế chiếm hữu tài sản đó mà sẽ kiện người mình đã chuyển giao tài sản kia.
4. Tham khảo tranh chấp trên thực tế:
Trong cuộc sống, đã có những vụ kiện được áp dụng Điều 166 BLDS 2015 như bản án “403/2020/DS-PT NGÀY 08/10/2020 VỀ ĐÒI TÀI SẢN LÀ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT” Bà LTD1 là chủ sử dụng hợp pháp thửa đất và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bà. Do bà ở xa, không có điều kiện trông nom, nên ông LVT5 (em trai bà) đang ở sát thửa đất của bà đã sử dụng và xây dựng bức tường đầu hồi nhà cấp 4, tường hoa, tường rào, trồng cây trên thửa đất của bà. Bà yêu cầu ông LVT5 phá dỡ, di rời toàn bộ phần đầu hồi nhà, tường hoa, tường rào và cây trên thửa đất, trả lại thửa đất cho bà. Khi xét xử phiên sơ thẩm, tòa án đã yêu cầu bà LTD1 bồi thường số tiền xây dựng và trồng cây trên thửa đất cho ông LVT5. Tuy nhiên, khi xem xét hồ sơ và lời khai kĩ lưỡng, tại thời điểm bà được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2007 trên phần diện tích đất bà được cấp đã có những cây trồng ấy. Vậy theo quyết định của tòa tại phiên phúc thẩm, bà chỉ cần thanh toán cho ông LVT5 số tiền ứng với số cây trồng sau khi bà được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đồng thời, ông LVT5 cũng phải tháo dỡ toàn bộ phần tường và trả lại thửa đất cho bà.
Kiện đòi lại tài sản là việc chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp yêu cầu tòa án buộc người có hành vi chiếm hữu bất hợp pháp phải trả lại tài sản cho mình, thực hiện theo thủ tục tố tụng theo quy định của pháp luật.
Luật Đỉnh Phong
Tham khảo: Giao dịch giả tạo nhằm tẩu tán tài sản và hệ quả pháp lý của nó?