CÓ THỂ BỊ PHẠT TÙ TỪ 07 ĐẾN 15 NĂM NẾU VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ KHÁM CHỮA BỆNH, CẤP PHÁT BÁN THUỐC VÀ CÁC DỊCH VỤ Y TẾ KHÁC

I – Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác quy định tại Điều 315 Bộ luật Hình sự 2015 về như sau:

1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của Bộ luật này, thuộc một trong các trường hợp dưới đây hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết 01 người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này là 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 61% trở lên;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

II – Các yếu tố cấu thành tội vi phạm quy định về khám, chữa bệnh, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác tại Điều 315 Bộ luật hình sự 2015.

1. Về chủ thể:

Chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt, chỉ những người có trách nhiệm trong việc khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc cung cấp dịch vụ y tế khác mới được coi là chủ thể của tội phạm này.

2. Về khách thể

Khách thể của tội phạm là các quy định của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc cung cấp dịch vụ y tế khác; đồng thời xâm phạm đến tính mạng và sức khỏe của người khác.

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan

Hành vi: không tuân thủ hoặc tuân thủ không đúng các quy định của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc cung cấp dịch vụ y tế khác.

Hậu quả: Gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người khác. Hậu quả này có thể là dấu hiệu bắt buộc hoặc không bắt buộc, tùy thuộc vào việc người vi phạm đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính liên quan đến hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, nhưng chưa được xóa bỏ án tích. Thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người khác được xác định là gây tổn hại với mức tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên

Mối quan hệ nhân quả: Hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến hậu quả là gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người khác.

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan

Người phạm tội vi phạm các quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc cung cấp dịch vụ y tế khác với lỗi vô ý có thể là quá tự tin hoặc cẩu thả.

5. Khung hình phạt

Điều 315 của Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định bốn khung hình phạt như sau:

a) Người vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc cung cấp dịch vụ y tế khác sẽ bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm trong các trường hợp sau, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của Bộ luật này:

  • Làm chết 01 người;
  • Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;
  • Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
  • Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này là 61% đến 121%;
  • Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

b) Người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm trong các trường hợp sau:

  • Gây tử vong cho ít nhất 02 người;
  • Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 61% trở lên;
  • Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
  • Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

c) Người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm trong các trường hợp sau:

  • Gây tử vong cho ít nhất 03 người;
  • Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
  • Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
  • Gây thiệt hại về tài sản từ 1.500.000.000 đồng trở lên.
  • Ngoài khung hình phạt trên, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng và bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định trong khoảng thời gian từ 01 năm đến 05 năm.

Tóm lại, khám bệnh, chữa bệnh là hoạt động liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của con người do đó, đòi hỏi tổ chức, cá nhân hành nghề phải cẩn trọng và nghiêm túc chấp hành mọi quy định về quá trình khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Bên cạnh đó pháp luật quy định khung hình phạt đối với tội này rất nghiêm khắc nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm trong hành nghề khám chữa bệnh, đảm bảo an ninh, an toàn sức khỏe cho nhân dân. 

Luật Đỉnh Phong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *